Giải mã tên gọi các món ngon kì lạ của Trung Quốc

Với những cái tên vô cùng độc đáo như: Bánh bao “chó cũng không thèm ăn”, bún Qua Cầu… hẳn bạn sẽ thắc mắc sao món ăn gì mà tên lạ thế? Có câu chuyện gì đằng sau cái tên lạ như vậy không? Sau đây sẽ là lời giải đáp cho những thắc mắc của bạn.

1.Bánh bao “chó cũng không thèm ăn”

Thương hiệu bánh bao ‘Cẩu Bất Lý’ (Gou Bu Li) có nghĩa ‘chó cũng không thèm ăn’ là một đặc sản của thành phố Thiên Tân. Loại bánh bao này từng được Từ Hy Thái Hậu thốt lời khen ngợi: “Cao lương mĩ vị chim trời cá biển đều không ngon bằng loại bánh bao này, đây mới đúng là món ăn trường thọ”.

2012926104514290-1375431259_500x0
Lớp da bọc ngoài của bánh bao mỏng, không quá mềm, giữ lại được nhân bánh với nguyên vẹn vị nước thịt ngọt đậm đà.

Tương truyền vào thời đại Hoàng đế Đông Trị, có một người tên Cao Quý Hữu được mẹ đặt thêm cái tên ‘Cẩu Tử’, đã tinh thông nghề làm bánh bao từ năm 17 tuổi. Với kỹ thuật làm bánh bao đầy sáng tạo, bánh của Cẩu Tử có tạo hình đẹp như bông cúc trắng, đưa lên miệng cảm nhận được ngay sự mềm mại của vỏ, lưỡi chạm vào nhân là thấy hương ngào ngạt thơm phức.
Tiếng lành đồn xa, khách ăn đến quán ngày một đông, Cẩu Tử bận làm bánh đến nỗi không có thời gian đàm đạo với khách. Khách thấy vậy cùng trêu : “Cẩu Tử mải bán bánh bao, chẳng thèm quan tâm đến khách hàng”, rồi cứ thế gọi thành quán bánh bao ‘Cẩu Bất Lý’ (cẩu cũng không thèm).

2. Bún Qua Cầu

Không chỉ là món ăn truyền thống có lịch sử lâu đời của vùng đất Vân Nam, món bún qua cầu ngày nay còn là một món ăn nổi tiếng thu hút đông đảo người dân cũng như khách du lịch khi đến với bất kỳ thành phố nào của đất nước Trung Quốc.

Untitled-1-1375431260_500x0
Thực khách sẽ tự mình cho thịt, trứng, rau vào bát canh vẫn được giữ nóng hổi bởi lớp mỡ trên mặt và chỉ sau chưa đầy một phút mọi thứ sẽ vừa chín tới.

Món bún qua cầu không chỉ dễ ăn, ngon miệng mà còn gắn với câu chuyện về tình nghĩa uyên ương. Tương truyền rằng, năm xưa có một đôi vợ chồng nhà nông nghèo rất yêu thương nhau. Hàng ngày, người vợ thường nấu bún từ nhà băng qua cây cầu dài để mang cho chồng đang bận ôn thi ở một hòn đảo nhỏ. Vì đường dài nên bát bún thường bị nguội. Tình cờ một lần, đứa con ở nhà cho thịt vào bát canh, gắp ra thấy vừa nóng vừa ngon, người vợ liền nghĩ ra làm bún cho chồng bằng cách nấu nước dùng trước, để lại lớp váng mỡ trên mặt giữ nước nóng lâu, đến nơi mới cho thức ăn tươi ngon vào. Cái tên Bún Qua Cầu ra đời từ đó.
Một phần bún thông thường gồm có một tô canh nóng hổi với lớp mỡ gà béo ngậy, đĩa đựng thịt gà, thịt lợn còn tươi sống cùng với rau, hành, nấm đặc sản của Vân Nam, một quả trứng vàng ươm và một tô bún sợi to được chế ra từ bột gạo đặc biệt. Để có được nước dùng nhìn thì béo nhưng ăn không ngấy, các đầu bếp cũng phải rất kỳ công ninh nhừ gà già trong 5-6 tiếng đồng hồ.

3. Đậu phụ thối

Đậu phụ là món ăn rất phổ biến tại nhiều nước châu Á. Tuy nhiên sự khác biệt về cả hình thức lẫn mùi vị của món “đậu phụ thối” luôn là nét thu hút đối với rất nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới khi đến với Trung Quốc. Đậu phụ thối lên men có mùi ‘thum thủm’ như thách thức người ăn. Nhưng đối với người dân bản địa mùi nồng nặc đó lại thân thuộc giống như người Việt Nam thích ăn mắm tôm. Món ăn này có một lịch sự lâu đời với nguồn gốc là một câu chuyện thú vị.
Vào đời vua Khang Hy, do thi trượt khoa cử và không còn lộ phí về nhà, chàng thư sinh nghèo Vuơng Trí Hòa phải ở lại kinh thành bán đậu phụ kiếm sống qua ngày. Đậu phụ bị ế nhiều, anh cắt nhỏ đậu phụ và cho vào một cái chum ướp muối. Vài ngày sau, khi mở chum ra, anh nhận thấy đậu phụ đã hơi chuyển sang màu lục và có mùi rất hắc. Anh nếm thử thứ “đậu phụ thối xanh” đó và thấy vị ngon kinh ngạc. Anh mạnh dạn mang loại đậu thối đặc biệt đó ra bán. Kể từ đó món ăn khác lạ này được lan truyền rộng rãi.

Untitled-1-1375431262_500x0
Đậu phụ thối đen, đặc sản của người dân Hồ Nam.

Công đoạn chế biến món đậu phụ thối rất cầu kỳ đặc biệt là quá trình lên men đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Để tạo mùi thum thủm cho đậu, người ta ủ chung cùng nước cốt gồm sữa, rau cải, nấm đen cùng nhiều loại thảo dược khác trong khoảng 6 tháng rồi vớt ra ngoài không khí trong vòng 6 giờ hoặc hai ngày tuỳ theo thời tiết. Với người Trung Quốc, món đậu thối ngon, đạt chuẩn phải nổi mốc và chuyển thành xám, sau đó sẽ được rửa bằng nước tinh khiết, để khô và được chiên ngập trong chảo dầu sau đó dùng cùng nước tương và bắp cải muối.
Ở mỗi vùng miền, người dân lại có cách chế biến đậu thối riêng đem lại hương vị độc đáo hấp dẫn. Nổi tiếng nhất là những miếng đậu thối chiên vàng của người Triết Giang và miếng đậu thối với màu đen đặc trưng của người Hồ Nam. Ngày nay, bên cạnh những quán ăn vặt, ăn đêm hay những xe hàng rong, đậu phụ thối còn xuất hiện cả trong những nhà hàng, cửa tiệm để phục vụ khách du lịch.

Leave a Reply